Screen-Shot-2019-10-10-at-15.09.54

Business Intelligence (BI) on Google Cloud Platform (1): BI là gì?

Ngày nay, với sự phổ biến của việc khai thác và sử dụng dữ liệu trong các hoạt động kinh doanh, cụm từ BI (Business Intelligence) ngày càng được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên bạn đã thực sự hiểu BI là gì, quan trọng như thế nào? Và làm sao để xây dựng được một hệ thống BI hiệu quả cho doanh nghiệp của mình? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Dù bạn là startup hay là một doanh nghiệp lớn, nếu như bạn đã và đang sử dụng một phần hoặc dữ liệu của mình để theo dõi hoạt động kinh doanh hằng ngày, hay để kiểm tra một thử nghiệm nào đó có hiệu quả hay không, thì bạn đã sử dụng BI. BI – nói một cách dễ hiểu là “hệ thống hỗ trợ ra quyết định”. BI bao gồm các công cụ và giải pháp để biến dữ liệu chưa có giá trị thành có giá trị, giúp theo dõi, điều hướng các hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.

Lấy ví dụ khi bạn tung ra một sản phẩm thử nghiệm mới, bạn cần biết chiến lược đó có đạt hiệu quả mong muốn hay không. Hệ thống BI sẽ thu thập dữ liệu phản hồi của khách hàng tham gia chiến lược đó, và tổng hợp lại thành một chỉ số quan trọng nhất (ví dụ số lượng khách hàng chi tiền cho sản phẩm mới). Hoặc là biểu đồ thể hiện số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, số lượng khách hàng chi tiền mỗi ngày. Với hệ thống BI như vậy bạn có thể điều chỉnh chiến lược của mình phù hợp hơn với tình hình thực tế, thay vì chỉ dùng cảm quan cá nhân để ra quyết định!

Mô hình sau đây có lẽ là một minh hoạ trực quan nhất về vai trò của BI:

Google Cloud BI

Xác định được mục tiêu kinh doanh đã khó, nhưng đạt được nó thì còn khó hơn! May mắn thay, một hệ thống BI hiệu quả sẽ giúp chúng ta vận hành dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi vì xét cho cùng, hoạt động kinh doanh hàng ngày luôn là một quá trình thử nghiệm – học hỏi diễn ra liên tục và lặp lại. Với BI tốt, chúng ta thực hiện quá trình này nhanh chóng hơn, tốn ít tài nguyên hơn, và như vậy sẽ đạt được mục tiêu nhanh hơn!

Để làm được điều đó, một hệ thống BI cơ bản cần thực hiện những giai đoạn sau:

BI graph
  • Thu thập dữ liệu: Từ tất cả các nguồn có thể như thông tin khách hàng, phản hồi, hoạt động khách hàng…
  • Xử lý dữ liệu: Dữ liệu (thô) được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau nên có những định dạng khác nhau, có dữ liệu có giá trị, có dữ liệu chưa có giá trị do đó phải xử lý để đưa về những định dạng nhất định – từ đó dễ dàng phân tích hơn.
  • Phân tích dữ liệu: Câu chuyện ẩn sau dữ liệu là gì? Giai đoạn này sẽ đi sâu vào câu hỏi đó và đưa ra những chỉ số, thông kê quan trọng.
  • Minh hoạ dữ liệu: Giai đoạn cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, bởi vì tới đây thì những người thuần về kinh doanh với tiếp xúc với dữ liệu. Làm sao để gần như bất cứ ai cũng hiểu tình hình hiện tại như thế nào? Bạn phải minh hoạ những chỉ số, thống kê khô khan thành những hình ảnh trực quan hay biểu đồ đơn giản.

Như vậy, trong bài viết này, bạn đã nắm được khái niệm cơ bản về BI cũng như vai trò của BI trong kinh doanh, đồng thơi bạn cũng hiểu hệ thống BI thường hoạt động như thế nào. Trong bài viết tiếp ( Phần 2) theo chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các thành phần cần có của BI, và tiêu chí nào để lựa chọn một hệ thống BI phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Hãy đón xem nhé!

Other Business Intelligence on Google Cloud Platform Series:

Comments are closed.